Lịch sử Cờ_vua

Chàng trai trẻ Ba Tư đang chơi cờ với hai người theo đuổi. Minh họa cho "Haft Awrang" (Bảy ngai vàng) của Jami giữa năm 1556 và 1565, trong truyện Cha nói với con trai về tình yêu tại các gian trưng bày Freer và Sackler, viện bảo tàng Smithsonian, Washington, DC.

Nhiều quốc gia cho rằng họ là nơi phát minh ra cờ vua trong dạng phôi thai nào đó. Phổ biến nhất thì người ta tin rằng cờ vua có nguồn gốc từ Ấn Độ, tại đó nó được gọi là chaturanga (saturanga) và có lẽ ra đời vào khoảng thế kỷ VI.

Một thuyết khác cho rằng cờ vua sinh ra từ trò chơi tương tự của cờ Trung Quốc, hoặc ít nhất là từ tổ tiên của cờ tướng, là môn đã tồn tại ở Trung Quốc kể từ thế kỷ II TCN. Joseph Needham và David Li là hai trong số nhiều học giả theo thuyết này. Cuối cùng, người Trung Quốc cho rằng cờ vua bắt nguồn từ cờ tướng Mãn Châu do nhà Thanh sáng lập.

Cờ vua sau đó được phổ biến về phía tây tới châu Âu và về phía đông tới Nhật Bản, sinh ra các biến thể trên đường đi của nó. Từ Ấn Độ nó đã tới Ba Tư, ở đây các thuật ngữ của nó được phiên âm sang tiếng Ba Tư và tên gọi của nó đổi thành chatrang.

Từ Ba Tư nó đi vào thế giới Hồi giáo, tại đây tên gọi của các quân cờ chủ yếu vẫn giữ các dạng Ba Tư trong thời kỳ Hồi giáo ban đầu của nó. Tên gọi của nó trở thành shatranj, được phiên theo tiếng Tây Ban Nha là ajedrez và trong tiếng Hy Lạp là zatrikion, nhưng trong phần lớn các nước châu Âu khác nó được thay thế bằng phiên bản Ba Tư của từ shāh = "vua".

Có một thuyết cho rằng việc thay đổi tên diễn ra bởi vì trước khi cờ vua tới châu Âu thì các nhà buôn đã tới châu Âu và mang theo các quân vua được trang trí như là các đồ vật hiếm và cùng với chúng là tên gọi shāh, tên gọi này đã bị người châu Âu phát âm sai theo nhiều cách khác nhau.

  • Chiếu hết: Trong tiếng Anh là checkmate là từ dịch ra của cụm từ shāh māt, trong tiếng Ba Tư có nghĩa là "vua hết đường". Trong tiếng Ả Rập nó có nghĩa là "shāh bị chết", nhưng shāh không phải là một từ Ả Rập thông dụng để chỉ "vua" (ngoại trừ đôi khi trong cờ vua).
  • Xe: Trong tiếng Anh là rook. Nó có được thông qua tiếng Ả Rập từ chữ rukh trong tiếng Ba Tư, có nghĩa là "xe ngựa kéo", nhưng cũng có nghĩa là "má" (một phần của mặt) và còn có nghĩa là một con chim huyền thoại với sức mạnh gọi là roc.
  • Tượng: Trong tiếng Anh là bishop. Tiếng Ả Rập al-fīl (từ tiếng Ba Tư pīl) có nghĩa là "voi", nhưng ở châu Âu và phần phía tây của thế giới Hồi giáo khi đó người ta biết rất ít hoặc không biết gì về voi và tên gọi của quân cờ đến với Tây Âu theo dạng Latinh alfinus và tương tự, một từ không có nghĩa gì (trong tiếng Tây Ban Nha, nó tiến hóa thành tên gọi alfil). Tên gọi bishop của người Anh là một sự đổi tên được sáng tạo ra theo hình dáng quy ước của nó. Tuy thế, tại Nga thì tên gọi của quân cờ này là slon = "voi".
  • Hậu: Trong tiếng Anh là queen. Tiếng Ba Tư farzīn = vizia - quan chức cao cấp trong thế giới Hồi giáo cổ, tương tự như tể tướng đã trở thành tiếng Ả Rập firzān, nó đến châu Âu trong các dạng như alfferza, fers v.v. nhưng sau đó được thay thế thành "hậu".

Trò chơi này đã phổ biến trong thế giới Hồi giáo sau khi những người theo đạo Hồi xâm lược Ba Tư. Cờ vua đến Nga theo đường Mông Cổ mà tại đó người ta chơi cờ vua từ đầu thế kỷ VII. Nó đã được người Moor đưa vào Tây Ban Nha trong thế kỷ X, và đã được miêu tả trong bản viết tay nổi tiếng thế kỷ XIII về cờ vua, cờ thỏ cáo và trò chơi xúc xắc có tên gọi Libro de los juegos. Cờ vua cũng đi theo đường bộ xuyên qua Siberi tới Alaska.